Giáo dục Tiểu học Phú Thọ tích cực chỉ đạo, thực hiện tốt sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học

Thứ tư - 02/11/2022 08:28

Để tiếp tục thực hiện tốt giải pháp then chốt về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 đó là bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và theo Kế hoạch của UBND tỉnh về bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tích cực, chủ động triển khai đầy đủ toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có chỉ đạo, thực hiện tốt sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở cấp Tiểu học để thực hiện mục tiêu chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Việc trang bị kiến thức, nhận thức về sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở cấp Tiểu học được tiến hành đồng bộ, bài bản, toàn diện và chất lượng. Nội dung này được tổ chức thông qua chỉ đạo, tập huấn, sinh hoạt chuyên cấp tỉnh với các báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, tác giả sách giáo khoa trao đổi với giáo viên cốt cán cấp tỉnh những vấn đề cốt lõi về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phương pháp, tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, kế hoạch bài dạy, về kiểm tra đánh giá,… trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó các bài học được ghi hình hoặc minh họa để phân tích, góp ý theo tinh thần đổi mới. Tính riêng trong năm 2022 đảm bảo các quy định phòng chống dịch Covid-19, Sở GD&ĐT đã tổ chức các Hội nghị sinh hoạt chuyên môn cho trên 2000 lượt cán bộ quản lý giáo viên cốt cán cấp tỉnh về các nội dung xoay quanh sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở cấp Tiểu học như: tập  huấn,  bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tiểu học cấp tỉnh về tính phân  cấp và  vai  trò của  GV  trong  thực  hiện  Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; tập huấn, bồi dưỡng về tổ chức dạy học phát triển năng lực môn Toán, môn Tiếng Việt cho học sinh đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT cấp tiểu học; Tập huấn, sinh hoạt chuyên môn về tổ chức dạy học phát triển năng lực cho học sinh đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT cấp tiểu học; tập huấn chuyên môn cho giáo viên dạy môn Tin học, môn Tiếng Anh và giáo viên tổ chức Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học,…

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên môn.

 

Từ các giáo viên cốt cán cấp tỉnh ở 13 huyện, thị, thành đã tiếp tục lan tỏa tới tất cả giáo viên Tiểu học toàn tỉnh thông qua sinh hoạt chuyên môn theo cụm huyện, cụm trường, từng trường hoặc tổ chuyên môn. Thông qua chỉ đạo, thực hiện các giáo viên tiểu học trong tỉnh đã nắm rõ mục đích yêu cầu, nội dung sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở cấp Tiểu học trong đó lưu ý khi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học thì không đánh giá giáo viên và không xếp loại giờ dạy trong sinh hoạt chuyên môn.

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học ở cấp Tiểu học được tiến hành theo các bước như sau:

Bước 1. Xây dựng bài học minh họa

- Tổ chuyên môn thảo luận, thống nhất lựa chọn bài học minh họa căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn. Việc lựa chọn giáo viên dạy học minh họa cần đảm bảo các giáo viên trong tổ chuyên môn đều lần lượt tham gia. Khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng ký dạy học minh họa.

- Giáo viên dạy học minh họa nghiên cứu chương trình môn học, kế hoạch dạy học môn học, sách giáo khoa và tài liệu dạy học liên quan, phối hợp với các giáo viên khác trong tổ chuyên môn để xây dựng bài học minh họa. Việc xây dựng bài học minh họa cần đảm bảo xác định rõ yêu cầu cần đạt của bài học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học, giáo viên có thể chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học, đánh giá quá trình học tập của học sinh,... cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học, phù hợp với việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Lưu ý, không tổ chức dạy trước bài học minh họa.

Bước 2. Tổ chức dạy học minh họa và dự giờ

Trên cơ sở bài học minh họa đã được xây dựng, giáo viên thực hiện dạy học để tổ chuyên môn dự giờ, phân tích bài học. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh kết hợp với việc quan sát hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giáo viên theo các yêu cầu sau:

- Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

- Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị "bỏ quên".

- Trình bày kết quả và thảo luận: hình thức trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung học tập và kỹ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lý những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lý.

- Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến trao đổi, thảo luận của học sinh nhằm giúp học sinh có hứng thú, niềm tin trong học tập, cải thiện được kết quả học tập; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.

Trong quá trình tổ chức dạy học và dự giờ, khuyến khích giáo viên dự giờ quan sát, ghi chép kết hợp với ghi hình hoạt động học của học sinh để sử dụng khi phân tích bài học, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh.

Bước 3. Phân tích bài học

Toàn trường hoặc tổ chuyên môn tổ chức trao đổi, chia sẻ, tập trung vào các nội dung:

- Hoạt động học của học sinh: khả năng tiếp nhận và mức độ “sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp; sự tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; sự tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả, sản phẩm học tập; sự chính xác, phù hợp của kết quả, sản phẩm học tập; thái độ và cảm xúc của học sinh trong từng hoạt động.

- Tổ chức hoạt động học cho học sinh: cách thức chuyển giao nhiệm vụ học tập; cách quan sát, theo dõi, phát hiện những khó khăn của học sinh; biện pháp hỗ trợ, khuyến khích học sinh tự học, hợp tác; việc phân tích, nhận xét kết quả hoạt động, quá trình học tập của học sinh.

- Một số nguyên nhân tác động đến hoạt động học của học sinh: kế hoạch bài học (yêu cầu cần đạt, đồ dùng dạy học, các hoạt động học,...); sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; tâm lý, sinh lý học sinh; không khí lớp học,...

Bước 4. Vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày

Dựa trên kết quả phân tích bài học và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, các giáo viên chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày.

Thông qua tập huấn, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đã góp phần thay đổi nhận thức của giáo viên cấp Tiểu học về thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục từ chỗ còn một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đến nay đã cơ bản nhận thức rõ về đổi mới giáo dục, phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tham gia vào việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; linh hoạt trong tổ chức thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và đối tượng học sinh; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tế cơ sở; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Từ đó góp phần củng cố duy trì và từng bước nâng cao chất lượng dạy học ở cấp Tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây