Hoạt động kỉ niệm 73 năm ngày thành lập truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017)

Thứ hai - 22/08/2016 08:33
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỉ niệm 73 năm ngày thành lập truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017) và 28 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2017), trường THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức chương trình Ngoại khóa dưới cờ nhằm ôn lại truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Hoạt động kỉ niệm 73 năm ngày thành lập truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017)
Đây là dịp để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh nhớ lại những mốc lịch sử, những mốc son chói lọi của quân đội nước nhà trong quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Chương trình Ngoại khóa gồm hai phần: Phần một ôn lại truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam do cô giáo Cao Thị Phương Thảo - Giáo viên môn Lịch sử trình bày và phần hai văn nghệ do cô giáo Nguyễn Phương Mai dẫn chương trình dưới sự thể hiện, trình bày tốp nam nữ chi đoàn giáo viên.
A. Phần 1: Ôn lại truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam
Cách đây tròn 73 năm (22/12/1944 – 22/12/2017), theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại 1 khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ban đầu chỉ gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Đại đội trưởng.  
Ngày 22/12 đi vào lịch sử như một sự kiện quan trọng mở đầu cho cả một chương lịch sử chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là một chương lịch sử mới của dân tộc ở thế kỉ XX – trong thời đại Hồ Chí Minh. Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Quân đội ấy đã trưởng thành từ 34 chiến sĩ ban đầu, từ yếu đến mạnh và cùng với toàn dân lập nên kì tích của thế kỉ XX, một huyền thoại khi một dân tộc nhỏ, đánh thắng hai đế quốc lớn – đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ.
Tên gọi "Quân đội Nhân dân" là do Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Kể từ khi ra đời đến nay, Quân Đội ta đã nhiều lần đổi tên, từ  Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ban đầu, đổi thành Việt Nam Giải phóng quân (4/1945), Vệ Quốc đoàn (11/1945), Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), Quân Đội nhân dân Việt Nam (1950).
Lịch sử  73 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
73 năm qua, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với lời dạy của Bác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công vĩ đại trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh hôm nay luôn kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống của lớp cha anh đi trước, không ngừng phấn đấu rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ về mọi mặt. Các tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang tỉnh luôn được chăm lo xây dựng, gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Quân đội ra đời, phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc đã được tổ tiên ta đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử, mang đậm hồn dân tộc Việt Nam. Đó là tư tưởng chiến tranh nhân dân, lo giữ nước từ lúc chưa nguy, thực hiện “ngụ binh ư nông” một cách lâu dài để “quốc phú binh cường”; xây dựng quân đội nhiều thứ quân theo cách “quân đội cốt tinh nhuệ chứ không cốt đông”; đánh giặc với nghệ thuật quân sự độc đáo  “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Quân đội còn cùng nhân dân sản xuất, giữ yên ấm quê hương. Trong thời chiến, khi đất nước bị xâm lăng thì “trăm họ là binh”; khi đất nước thanh bình thì một bộ phận quân đội lại trở về cùng với người dân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, tích trữ lương thực, góp phần nuôi quân và nuôi dân, vừa nâng cao đời sống vừa bảo vệ quê hương. Trong thời kỳ lịch sử nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng phát huy tốt truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của một quân đội chiến đấu, một đội quân công tác, một đội quân sản xuất, luôn giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân, gắn bó với nhân dân.
Đến nay khi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm,  đất nước đi lên xây dựng CNXH, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó - xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với tên gọi mà chủ tịch HCM trao tặng: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. 
B. Phần 2: Văn nghệ Ôn lại truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam
Trong không khí trang trọng của buổi ngoại khóa, thầy và trò nhà trường đã ôn lại những trang sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như biết thêm về những chiến công hiển hách của dân tộc. Bằng hình thức sân khấu hóa, các diễn viên không chuyên đến từ chi đoàn giáo viên đã tái hiện lại các mốc thời gian của lịch sử Cách mạng Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.
Mở đầu là liên khúc “Qua miền Tây Bắc”, “Hò kéo pháo”, “ Giải phóng Điện Biên” qua tiết mục sân khấu hóa của tốp nam nữ chi đoàn giáo viên. Phần liên khúc tái hiện lại chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Pháp với sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
 

Trên đường hành quân “Qua miền Tây Bắc”

Hậu phương từ lực lượng dân công, các dân tộc, huyền thoại “xe đạp thồ” tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ
              
“Hò kéo pháo” vượt qua đèo núi Tây Bắc lên trận địa Điện Biên Phủ
 

Vỡ òa trong niềm vui “Giải phóng Điện Biên”
Tiếp nối chương trình ngoại khóa là tốp ca nam với bài hát “Hát mãi khúc quân hành” trong dòng chảy lịch sử tiếp nối kháng chiến chống Pháp là 21 năm kháng chiến chống Mỹ.
“Hát mãi khúc quân hành”
Sự kết hợp ăn ý của song ca nam nữ thầy giáo Đinh Cường và cô giáo Thu Lan với ca khúc “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”.

Tốp ca nữ đến từ chi đoàn giáo viên nhà trường với ca khúc “Tiếng hát trên đường quê hương”, hình ảnh những cô gái tải đạn “qua dốc đèo, qua núi qua khe, qua đường 9” với “niềm tin thắng lợi ngày mai”.

Những “cô gái tải đạn”
Khép lại chương trình ngoại khóa là liên khúc “Giải phóng miền Nam”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Rộn rã khúc hoan ca trong ngày Đại thắng

Chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu Thành đoàn Việt Trì, Ban giám hiệu và các Cựu chiến binh
Thông qua các tiết mục văn nghệ lịch sử ý nghĩa, thầy và trò nhà trường không chỉ có được những giây phút thư giãn trước khi bước vào tuần học mới, mà còn có thêm những kiến thức lịch sử rất bổ ích về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, giúp học sinh thêm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây